14 thg 7, 2015

Chuyện nhặt được trên sàn khiêu vũ

Anh P. là nhà khoa học. Đối tượng nghiên cứu của anh là những vì sao cách chỗ anh đứng 20 vạn năm ánh sáng. Ngược lại, vợ anh thì chỉ cần biết đến Sàn khiêu vũ cổ điển Tao Đàn cách nhà gần 20 phút đi bộ. Khác nhau là thế, song họ vẫn giữ được cuộc hôn nhân nguyên vẹn nhờ học được cách làm ngơ.

Chị không xấu hổ vì anh cục mịch như bức tường đất, cả đời không biết một bước tango. Anh thì dửng dưng khi cuộc đời chị gói gọn trong vòng luẩn quẩn của váy áo và vũ hội.

Ngày mai chị đi thi nhảy, nên chị lôi hết váy áo ra đứng trước gương . Thấy anh lẩm bẩm: “Chẳng biết có được cái gì?”, chị đáp tỉnh queo: “Dù không được đôi chân vàng, thì em cũng được cái sức khỏe vàng!”.



Nhảy mang lại sức khỏe vàng

Xã hội hiện đại còn đầy những người suy nghĩ như là anh P.

Chẳng hạn ông T., giám đốc một doanh nghiệp lớn Hải Phòng. Trong con mắt nhìn sắc lạnh như dao cắt kính của ông, khiêu vũ là thứ sản phẩm văn hóa độc hại chỉ để phục vụ cho bọn rửng mỡ, lắm tiền. Nhân viên của ông đứa nào dính vào nhảy nhót thì tài có như Bill Gates ông cũng chỉ cho lau kính cửa sổ! Có tài mà không có đức (!) cũng chẳng làm gì.

Đến khi nghỉ hưu, mắt đã phai màu, ông vẫn bền bỉ nuôi dưỡng cái niềm tin ngây thơ đó. Không may, ở nhà ông chẳng có sự yên tĩnh với một bà vợ có hàng đống chuyện bép xép. Nỗi buồn xua chân ông đi khắp nơi.

Thế rồi một hôm, trời mây trắng như vườn táo nở hoa, bạn lôi ông vào sàn nhảy Tao Đàn. Chỗ ấy đông người, vậy mà ông thấy lạc lõng. Trong khi mọi người tưng bừng nhảy múa, còn ông thì ngồi trơ khấc với một chai bia trên tay.

Ông ngạc nhiên khi thấy mình chưa muốn bỏ đi. Bỗng một cô gái ăn mặc diêm dúa như con gà tây xòe đuôi tiến lại gần ông. Cô mỉm cười mời ông nhảy. Nụ cười nhe cả hàm răng, khiến cho ấn tượng ban đầu của ông là cô phải đi làm lại bộ răng của mình. Thế nhưng ông vẫn đứng lên ngoan ngoãn theo cô.

Thật ngạc nhiên, khi từ lâu ông cứ tưởng mình có tư chất kẻ lãnh đạo! Cô đặt tay lên vai ông – một sự kích thích nhẹ nhàng, nhưng không nguy hiểm! Nào ngờ nhảy lại khó thế.

Ông thấy người mình cứng đờ như cây cột điện trong một buổi sáng sương mù giá lạnh và chỉ biết vặn vẹo người giống một chú cún giũ bộ lông ướt. Tuy nhiên, sàn nhảy là nơi ông cảm nhận được tình yêu với âm nhạc và vũ đạo. Tiếng nhạc tango dặt dìu khiến con mèo già của cô chủ sàn cũng phải kêu lên gừ gừ khoái trá. Lần đầu tiên ông hiểu được câu nói: “Không gì đẹp bằng thuyền biển căng buồm, ngựa phi nước đại, đàn bà khiêu vũ”.

Thế rồi từ đó, ông chẳng cần biết trời nhiều mây trắng hay là mây đen , Tao Đàn có nhạc là ông vào nhảy. Bây giờ thì ông bình tĩnh, tự tin trên sàn như thổ dân trong rừng rậm.

Thật là kỳ lạ, nhảy đã nhóm lên ngọn lửa sưởi ấm những đốt xương già ở ông. Chứng đau mình mẩy lúc trời trở gió tự nhiên mất hút. Khi màn đêm xuống, mắt ông như có một làn sương mỏng bao phủ và trong giấc ngủ dễ dàng ông mơ thấy mình đang cùng bạn nhảy đi bản valse – bà hoàng của các điệu nhảy .

Năm nay ông đã lên cụ. Ở tuổi 82, cụ T. thích cùng một cô gái trẻ nhảy pasodoble – điệu nhảy của người đấu bò! Lưng vẫn thẳng như gác chuông nhà thờ, cụ tuyên bố rất xanh rờn: “Hơn mười năm rồi tôi không uống một viên thuốc! Chỉ những người nào chưa bước chân vào sàn nhảy thì mới nghĩ xấu về nhảy!”.

Công bằng mà nói, cụ không phải người duy nhất đã được “lột xác” trên sàn.

Một ngày nào đó, có chàng trai đến rót vào tai cô Th.: “Anh sẽ là nơi neo đậu của em!” thế là cô đi lấy chồng. Rồi cũng từ đấy, chồng cô coi cô như một đóa hoa không cần tưới nước. Anh tát cạn cuộc đời cô, biến tâm hồn cô thành một mảnh đất khô cằn. Thời gian trôi qua như tiếng thở dài…

Thế rồi, cô bỗng phải lòng khiêu vũ, như nhiễm phải thứ virus. Từ đó, muốn nhìn thấy vợ, thì anh chồng cô phải ra sàn nhảy, hơn là hy vọng gặp cô ở nhà.

Anh đã ngỡ ngàng khi không nhận ra, thay vì, một người đàn bà suốt ngày ủ rũ giống mảnh giẻ ướt vắt trên dây phơi, lại là cô gái bước chân linh hoạt, mắt sáng long lanh. Cô đã vứt bỏ những thứ đồ ngủ xộc xệch ở nhà để mặc các bộ váy bay bồng bềnh khi cô quay tròn. Lúc nào cô cũng thơm tho như bông hồng bạch.

Bây giờ cô chỉ cần nhấc ngón tay là có ngay 3 chàng trai chạy thật nhanh đến để mời cô nhảy. Ở sàn cô được đối xử như một quý cô, chứ không phải như cái bà nội trợ nhàu nhĩ, bừa bộn giống một chiếc giường chưa dọn ở nhà. Cô nói cha mẹ đã sinh ra cô và khiêu vũ đã cho cô cuộc sống.



Nhảy đam mê như… ma túy!

Tất nhiên không phải ai đi khiêu vũ cũng đều ở trong hoàn cảnh cực đoan như của cụ T. hay cô Th. Hầu hết họ đến với nhảy chỉ đơn giản vì… thích nhảy!

Trong thời đại dân chủ hóa ngày nay, khiêu vũ cổ điển cũng giống như nhạc cổ điển, không để giành riêng cho một tầng lớp mũ cao áo dài chọn lọc. Ai cũng có thể bước ra sàn nhảy, miễn là có tiền mua vé vào cửa!

Họ là giáo viên, bác sỹ, nhà thơ, nhà báo, chị hàng cá, anh xe ôm,… Cũng có những gã thuộc giới giang hồ, cuộc sống thường bị chi phối chỉ bởi bạo lực và nỗi sợ hãi. Thật lạ, họ rất lịch sự! Nghĩ cũng phải thôi, đến với khiêu vũ người ta hướng tới cái đẹp.

Trên sàn Tao Đàn có một cô gái vừa lùn, răng lúc nào cũng như cười, thế nhưng được nhiều chàng trai vây quanh vì cô nhảy đẹp hơn những cô gái chân dài, mắt to. Một ông giám đốc bụng to, miệng hét ra lửa, song lại bị các quý bà từ chối để nhảy với anh bảo vệ, bởi vì anh này nhảy giỏi. “Chọn người đàn bà nhảy đẹp, chứ không chọn người đàn bà đẹp nhảy” là nguyên tắc vàng của những người đi khiêu vũ thực thụ.

Tất nhiên, để có cái đẹp họ phải trả giá. Có người trở thành “điên, hấp” trong mắt thế nhân chỉ bởi vì lòng đam mê đến cháy bỏng với khiêu vũ – một môn nghệ thuật cám dỗ không thua ma túy.

Khâm là chủ một quán internet mở đến nửa đêm. Trong lúc đợi khách, anh ra ngoài đường, một mình nhảy dance sports. Anh nhảy say sưa và cảm thấy cả mặt trăng đang rọi xuống mình bằng thứ ánh sáng xanh nhạt cũng lắc lư trên bầu trời. Người qua đường bảo anh “hấp”.

Cũng thế, anh Đông lái xe chở rác, trong lúc chờ đợi công nhân môi trường chất rác lên xe, anh đứng cạnh đống rác đang bốc mùi phân hủy giữa một ngày đông rét mướt, tập nhảy salsa, điệu nhảy của miền nhiệt đới có bờ biển ấm và những cô gái thơm mùi dầu dừa, cho chân đỡ ngứa. Trẻ con ném đá vào anh, bỏ chạy và hét: “Thằng điên!”

Ôi, nếu họ nhìn thấy anh Đông, anh Khâm đang bay lượn trên sàn nhảy thì hẳn sẽ thấy hối tiếc, muốn rút lưỡi lại. Trong mọi loại hình nghệ thuật, thành công chỉ đến với những người có chất điên như thế!

Tạ Hữu Mạnh , Vũ Minh Hằng là một cặp đôi khiêu vũ thể thao (dance sports) nổi tiếng làng nhảy Việt Nam. Từ năm 2007, họ dám điên lên, vay nam mượn bắc 6.000 đô Mỹ để thuê một vũ công Nga dạy riêng cho mình. Vũ công Nga này cầm một cây gậy thường đập vào vai, vào cằm, vào chân, vào tay, để uốn nắn các tư thế.

Nhờ công khổ luyện như vậy, cho đến bây giờ chưa có đôi nhảy nào ở Hải Phòng đạt đến tinh hoa của nghệ thuật dancesports và gặt hái nhiều thành quả ở các cuộc thi khiêu vũ quốc gia như cặp Mạnh – Hằng. Sau này vì một chấn thương ở chân biến chứng mà Tạ Hữu Mạnh, một vũ công được đồng nghiệp đánh giá có tâm, có tài, đã tử vì nghiệp ở tuổi 37!

Tấm huy chương nào cũng có 2 mặt

Trong lúc cụ T., cô H. và hàng ngàn người Hải Phòng ngày ngày đi khiêu vũ để tìm sức khỏe vàng, niềm vui cuộc sống thì có những người, ít thôi, họ ra sàn nhảy để tìm thứ khác, không có trong bản chất của môn nghệ thuật cao quý này.

X. thuộc loại người có vẻ hào nhoáng vay mượn với một nụ cười dễ dãi lúc nào cũng lủng lẳng ở bên mép. Anh không có một móng tay chất điên như của anh Đông, anh Khâm, nên chưa bao giờ X được xếp hạng trong làng khiêu vũ.

Không sao! Nhảy không phải là ưu tiên hàng đầu của X., do anh có mối quan tâm đặc biệt đến những chỗ xẻ sâu trong trang phục phụ nữ. X. luôn cho rằng: “Đàn bà là đồ trang sức của người đàn ông” và anh chính là một câu trả lời hoàn hảo cho lời cầu nguyện của họ.

Ra sàn, X. thường ngồi khuất ở góc. Khi nhắm được một đối tượng, X. vừa nhảy vừa thì thầm: “Em là bến đỗ đời anh!”, như con mèo già biết kêu meo meo với vẻ chân thực đáng ngờ, vào tai cô gái đã bị đờ đẫn vì các bước nhảy có sức lôi cuốn hoang dã của anh. Có thế thôi mà X. rất thành công. Ngoài sàn, anh được mệnh danh “đao phủ” chuyên chặt trái tim phụ nữ.

Y. cũng thay đàn bà như lính canh thay gác. Nhưng anh cho rằng người đẹp có ngày hết đát, còn tiền thì không bao giờ lỗi mốt, cho nên Y. nổi tiếng là một nhà vô địch trong việc an ủi những người phụ nữ cô đơn rồi tiện thể lấy luôn tiền của họ.

Khi nhìn vào một cô gái, anh chẳng đặc biệt quan tâm đến các số đo 3 vòng của cô, đôi mắt của anh hiện lên con số: Cô trị giá bao nhiêu tiền? Bởi không thể nào lại bất lịch sự với một người có giá trị tiền tỷ xách túi Vuitton, mặc đồ Prada, ngồi xe Lexus đi nhảy!

Trên sàn có người đàn bà đi không đã thấy nặng nề, ít ai muốn mời bà nhảy. Nhưng Y. không nghĩ nặng nề là một nhược điểm khi nguyên nhân là bà phải gánh theo trọng lượng của đồ trang sức bà mang trên người.

Anh mời bà nhảy. Chỉ sau một điệu rhumba, Y. đã biết bà đang được thừa hưởng một đống gia tài kếch xù. Và khi đến điệu valse chậm, thì anh tỏ tường bà không có việc gì khác ngoài điều chỉ dùng thời gian để tiêu xài nó.

Với chân nhảy giỏi như Y., thì không có chuyện anh lại vụng về dẫm lên trái tim phụ nữ. Dẫu rằng bà đã cảnh giác như mọi bà góa lắm tiền, thì bà cũng đã bị anh chinh phục trong một buổi tối khi điệu slow mùi mẫn nổi lên. Thế là từ đấy, Y. lại bắt đầu lên đời từ áo quần đến xe cộ bằng tài khoản của bạn nhảy.



Vĩ thanh

Buổi sáng Chủ Nhật, suốt dải vườn hoa trung tâm thành phố Hải Phòng luôn có hàng trăm con người say sưa khiêu vũ ngoài trời.

Tôi gặp chồng cô Th. Anh nói đã bỏ rượu chè để đi tập nhảy. Anh không muốn bị cô đơn và phải khóc thương cho chính bản thân như cô vợ mình ngày xưa.

Tôi ngạc nhiên thấy cụ T. đang ngồi rảnh rỗi trước ly cà phê vỉa hè, giờ này mọi khi cụ đã đi nhảy

- “Tao Đàn mất điện!” cụ nói.
- “Sao cụ không sang chỗ khác?”
- “Không được! Tao Đàn có thằng Cường biết làm nhạc, chỉ nó mới biết nhạc là linh hồn của nhảy. Nhạc ở chỗ khác tôi không nhấc chân lên được!”

Bây giờ, cụ vẫn khó tính, cái khó tính của người yêu khiêu vũ, chứ không phải cái khó tính của một người ghét khiêu vũ ngày xưa.

Xin đừng bực nữa cụ ơi, Tao Đàn sẽ lại có điện. Cường “nhạc” sẽ lại mở bản valse của Shostakovichcho cụ nhảy. Cuộc đời lại thật là đẹp!

21 thg 6, 2015

Nhà báo: nổi tiếng và tai tiếng

Chuyện đăng ở báo nước ngoài. Có nhà tỉ phú trong lúc hấp hối ở trên giường bệnh đã gọi điện cho vị tổng biên tập của 1 tờ báo, đề nghị trả 10 triệu USD để được nhận 1 cái thẻ nhà báo. Vị tổng biên tập đồng ý.

Cầm thẻ trên tay, tỉ phú thở hắt những hơi cuối cùng. Vị tổng biên tập kia nói: “Tôi rất tò mò, chẳng hiều tại sao ông lại chịu mất 10 triệu USD đổi lấy cái thẻ nhà báo mà chẳng để làm gì cả?”

Nhà tỉ phú đáp: “Ồ, có gì đâu! Sau khi tôi chết đi rồi thiên hạ sẽ thốt lên rằng: ôi thế là trên đời này đã mất đi được 1 gã nhà báo!”

Tác giả câu chuyện vui này là 1 nhà báo nổi tiếng thế giới. Chỉ có những người biết được sức mạnh báo chí mới dám tự đùa cợt mình như vậy. “Kẻ mạnh là kẻ biết tự giễu mình!” Socrates đã nói.



Sự nổi tiếng

Năm 1997, Vinashin đang nổi lên như người hùng trên sân khấu. Giữa lúc dàn đồng ca mải xưng tụng thì có tiếng nói lạc giọng: “Vì sự tăng trưởng trên 1 núi nợ nên nền móng của Vinashin đang run rẩy”. Cũng thời điểm ấy, nhiều ngân hàng đã công bố những con số lãi khổng lồ, có người lại gióng hồi chuông cảnh tỉnh: Cái lợi nhuận khổng lồ đó được hình thành trên việc ăn vào sự thịnh vượng và tính hiệu quả của phần còn lại trong nền kinh tế. Họ là ai vậy? – Nhà báo! Những người có tài năng, sự nhạy cảm để nhìn thấu được bản chất của các vấn đề trước khi chúng mưng mủ theo thời gian.

Họ cảm nhận được hơi thở thời đại nóng hổi trong các sự kiện xảy ra đã lâu và nghe được những tiếng vọng mạnh mẽ của quá khứ trong các sự kiện vừa xuất hiện. Thói quen nhìn vụ việc theo nhiều chiều đã mách bảo họ: Đầu tư nước ngoài tạo ra việc làm và góp phần vào phát triển. Thế nhưng, quá dựa dẫm vào đầu tư nước ngoài, 1 quốc gia sẽ thất bại trong việc xây dựng nên những doanh nghiệp có sức cạnh tranh toàn cầu của mình. Và chính họ đã báo động xã hội: Các nhóm lợi ích đang đi lệch hướng vào “giấc mơ con”, ở đó lòng tham chỉ nuôi dưỡng những suy nghĩ ngắn hạn, không thấy được các vấn đề lớn của đất nước.

Không chỉ trong những vấn đề kinh tế vĩ mô, người ta gặp các nhà báo ở khắp mọi nơi, kể cả là trong... vườn thú, khi có người ăn chặn cả khẩu phần của loài súc vật. Vạch trần cái xấu – thành tựu cơ bản của thuyết tiến bộ - là 1 nhiệm vụ của họ.

Với sự dũng cảm, ngòi bút nhà báo lật tung những tấm vải điều che đậy nguồn gốc tài sản bất minh của nhiều quan chức tham nhũng. Họ tranh luận với 1 nền giáo dục nhồi sọ học sinh bằng những kiến thức vụn vặt và cả những điều to lớn huyễn hoặc chẳng có ích gì cho chính học sinh, xã hội. Còn nếu những cánh rừng già đại ngàn đang đổ rạp dưới lưỡi cưa của bọn lâm tặc, những dòng sông bị ô nhiễm, nước vàng như bị viêm gan biết nói, thì chúng cũng sẽ bày tỏ lòng biết ơn các nhà báo.

Ngày nay, họ lại đứng trên tuyến đầu chiến đấu với những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử của “người bạn vàng” để bảo vệ vùng biển đảo tổ quốc. Khi làm được những điều đó nhà báo trở thành nổi tiếng.

Sự nổi tiếng mang đến quyền lực mềm cho họ. Lời họ nói ra được người dân tin và quan chức phải lắng nghe. Bởi vì nhà báo nổi tiếng thì không bao giờ viết sai sự thật. Mặc dù cuộc đời không giống như 1+1 = 2, đôi khi sự thật lại được hình thành từ sự tình cờ, rủi ro, số phận.

Các cuộc phỏng vấn, tài liệu văn bản, chỉ thể hiện những mảnh ghép giới hạn của cả bức tranh. Do đó nhà báo nổi tiếng phải có trực giác nhạy cảm như vòng lông cổ của con chim cú. Nhất là phải có bề dày văn hoá.

Ông Phạm Huy Hoàn, nguyên tổng biên tập báo Lao Động, thường dẫn chuyện: Con gấu mùa hè chịu khó đi tìm mật ong để có 1 lớp mỡ dày dưới chân. Khi mùa đông đến, không còn mật ong, gấu nằm trong hang mút lớp mỡ dày ở chân mà sống. Có lẽ nhờ lớp mỡ dày (bề dày văn hoá) được tích lũy từ thời trẻ (mùa hè), bây giờ đã ở tuổi U80 (mùa đông), ông vẫn làm tổng biên tập của tờ điện tử Dân Trí – 1 tờ báo mạng có số lượng người truy cập nhiều bậc nhất ở Việt Nam.

Lịch sử báo chí Việt Nam ghi nhận rất nhiều nhà báo nổi tiếng tài giỏi. Thường họ là những người coi làm báo là nghiệp, chứ không phải là cái nghề (kiếm sống). Vì là cái nghiệp, họ dám nói không trước sự quyến rũ của tiền và sức mạnh của quyền lực. Bởi vậy hiếm có nhà báo nổi tiếng thực sự mà giàu.

Hồi mới vào nghề, người viết bài này đã được chứng kiến 1 cuộc “đối đầu” giữa nhà báo TTT với tổng giám đốc của 1 công ty tư nhân. Ông này gây dựng nên 1 sự nghiệp đáng nể từ 2 tay trắng. Nói thêm cho vui, tài năng của ông cũng không dừng lại ở đó. Vào tuổi 70, ông còn lấy vợ 20 và sau đó sinh ra 2 đứa con.

Bước chân đến cuộc đối thoại về chuyện công ty ông có trốn thuế như báo đăng tải hay không, vị tổng giám đốc dõng dạc tuyên bố: “Ép đá còn dễ hơn ép tao phải thừa nhận điều đó!”

Quả thật ông biết nói dối qua từng kẽ răng. Thế rồi chỉ trong nửa tiếng đồng hồ, bằng những lời nói ngọt ngào, nhỏ nhẹ mang đậm phong thái ung dung của 1 thày tu, nhưng sắc như lưỡi dao cạo, nhà báo TTT đã dồn đối phương vào chân tường. Sự thật được ông bóc ra như ông bóc vỏ củ hành.

Sau khi ngỏ lời xin người đối thoại mấy viên aspirin vì “đầu nặng như 1 bịch bùn nhão”, vị tổng giám đốc cáo lui, vẻ mặt giống như 1 người sắp phải làm việc đóng nắp quan tài! Còn người chiến thắng? Gương mặt ông vẫn thản nhiên như đang ngồi với tách cà phê sáng.

Nhà báo nổi tiếng không bao giờ muốn dùng sức mạnh của báo chí đè người. Họ luôn thích thắng tâm phục khẩu phục. Và càng nổi tiếng bao nhiêu họ càng bình dị khiêm tốn bấy nhiêu. Có vẻ họ biết câu người xưa nói: Hiền nhân giống như khù khờ.

Và tai tiếng

Cũng là bình thường khi thật hiếm có nhà báo nào lại không thích thương hiệu hay sự nổi tiếng. Nhất là khi đã trải nghiệm mùi vị gây nghiện của việc có được ảnh hưởng đến số phận của người khác.

Tuy nhiên, thương hiệu là 1 nghệ thuật phải biết nắm bắt chứ không phải thứ có thể chụp giật. Và làm thương hiệu nhà báo không phải là việc đánh bóng hình ảnh thô thiển như kiểu trát son đỏ lên môi con lợn quay.

Để có thương hiệu, nhà báo phải có tài năng bẩm sinh và 1 thời gian nhiều năm sống chết với nghề. Thế nhưng, trong thời đại thức ăn nhanh (fast food), 1 số nhà báo rất muốn được nổi tiếng nhanh. Họ luôn muốn mình là ai mà không biết mình làm gì. Có điều chắc chắn họ không thích giống hoặc là không có khả năng làm một chú gấu cần cù kiếm tìm mật ong.

Tôi đã gặp những nhà báo chưa bao giờ mở 1 cuốn sách quá trang bìa. Ngoài sự thẳng thừng hơn hẳn, họ thua xa các nhà báo ngày xưa về cách đặt dấu chấm, phẩy – nền tảng cơ bản của nghề cầm bút.

Vì kiến thức mỏng như cánh chuồn chuồn nên họ thường bị bế tắc trong việc tìm cách thể hiện và hay sa đà vào những vấn đề không hề tồn tại. Chẳng hạn họ hốt hoảng vì con chó của 1 đại gia bị lạc, hay hí hửng khi chụp được bức ảnh cái áo trong của 1 cô ca sĩ hạng 3 tuột ra khi đang la hú. “Cướp, giết, hiếp” là mỏ vàng đề tài của họ. Thật trớ trêu là những nhà báo ấy lại hay ngộ nhận vai trò của mình.

Họ thường cho rằng mình rất quan trọng. Trong quán cafe, ở chốn đông người, họ không bao giờ ngừng nói liến thoắng, khoe đã “giã chết” được bao nhiêu “thằng” nếu họ là nhà báo nam, hoặc không bao giờ ngồi khép 2 chân, có thể kẹp được đồng xu giữa 2 đầu gối nếu họ là nhà báo nữ.

Mặc cảm quan trọng khiến họ trở thành người dễ tự ái. Họ thường cãi nhau với các nhân viên bảo vệ, bởi họ cho rằng những người này không đánh giá được hết giá trị của họ. Ai làm cho họ mất lòng thì họ sôi lên, tìm cách trả đũa. Họ sẽ sục sạo, lần tìm tội lỗi như con khỉ mẹ lần tìm chấy rận, vạch từng cái lông. Khi đã tìm thấy, họ vung bút múa ầm ĩ như băng mãi võ Sơn Đông đi bán thuốc rong ngoài chợ, để cho “mày” phải biết “tao” là ai, mà không cần biết đối tượng có đáng bị thế hay không. Sự công bằng đối với họ là cảm xúc thích hay không, chứ không phải những tiêu chuẩn cố định có thể cân đong đo đếm.

Thế nhưng, những nhà báo này dễ mềm lòng trước tiền bạc. Họ chỉ nhìn thấy những gì mà đồng tiền muốn họ thấy. Tiền cầm tay họ viết những bài báo chỉ dựa trên các bằng chứng chưa vượt quá cái ngưỡng cửa của sự nghi ngờ. Vậy mà họ không ngại ngùng suy diễn, chụp mũ, phê phán.

Để bảo vệ mình khỏi bị kiện cáo, họ sử dụng các cụm từ nghi vấn: “Phải chăng?”, “có thể?”. Họ thường ngụy biện theo kiểu “mẹ kiếp không phải chửi thề” hoặc là “nhà báo có quyền đưa ra ý kiến của mình”. Nhưng họ phải biết nhà báo không có quyền với sự thật. Lincoln, tổng thống Mỹ, nói: “Dù bạn có gọi cái đuôi con ngựa là chân thì con ngựa vẫn chỉ có 4 chân, bởi cái đuôi không bao giờ là cái chân!” Lật hồ sơ của kiểu nhà báo này, người ta sẽ thấy không ít có 1 quá khứ nặng mùi. Thật buồn lòng khi người đời gọi tên tuổi họ đi kèm với những biệt danh “đói,” “bẩn.”

Sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin đã đẩy nghề báo vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đặc biệt báo giấy.

Bây giờ chỉ cần có cái điện thoại di động, anh lái xe ôm trong lúc đợi khách đầu đường có thể vào mạng đọc báo Lao Động, An Ninh Hải Phòng,... miễn phí. Hệ quả: Số lượng bạn đọc mua báo ít dần, quảng cáo teo đi.

Để tồn tại, nhiều tờ báo đã trôi dạt và mất lái trong dòng xoáy kinh tế thị trường. Thế là ngày ngày, chuyện “cướp, giết, hiếp”, ăn chơi thác loạn và đủ thứ vô bổ khác được các tờ báo lá cải gào lên từ những quầy báo trên các vỉa hè. Để nuôi những tờ báo này, ông tổng biên tập không cần đến các nhà báo có lớp mỡ dày dưới chân mà chỉ cần những phóng viên có thể đặt ra các định mức mới cho sự không biết hổ thẹn là gì. Thế là 1 chị đưa báo, 1 anh bảo vệ, 1 ông bán thẻ bảo hiểm,... bỗng chốc trở thành nhà báo. Tờ báo không quan tâm họ có thể tôn trọng ngữ pháp hay không, mà chỉ cần biết họ trị giá bao nhiêu tiền qua các hợp đồng quảng cáo hoặc số lượng những tin bài nhày nhụa giúp bán được báo.

Sự xa rời những tiêu chuẩn làm báo tất yếu phải dẫn đến sự xuống cấp của nhiều nhà báo. Đã vậy, cơ chế quản lý lỏng lẻo lại cho họ quyền tự do bay nhảy, nhất là phóng viên thường trú ở các địa phương. Nhiều tổng biên tập còn không biết mặt nhân viên của mình. Họ đến và đi như 1 cái chợ. Vì rất nhiều người không được toà soạn trả lương, họ kiếm sống bằng hoa hồng quảng cáo và tiện nhuận bút. Như thế, nhà báo bán mình cho quỷ là chuyện dễ thấy, dễ hiểu.

Cái thời người dân nhắm mắt tin vào mọi điều báo nói đã qua. Trong đó có phần “công” của nhà báo kiểu này.

Hiện tượng nhà báo bị lưu manh đánh, chính quyền tẩy chay, phải được nhìn từ 2 phía. Tại sao có các nhà báo chưa bao giờ bị côn đồ manh động và cánh cửa của chính quyền luôn mở cho họ dù họ vẫn mài sắc bút chiến đấu? Bởi vì họ không giống những nhà báo thản nhiên ngồi hút thuốc lá trong phòng họp có biển đề Cấm hút thuốc, thậm chí hùng hổ kéo đàn như đám kiêu binh (họ thường tụ tập thành những băng nhóm để đánh hội đồng bởi họ không có tài năng 1 mình giải quyết vấn đề).

Nhà báo đích thực luôn viết báo theo phương châm: “Hãy nhớ bạn đang viết báo cho những người thông minh hơn bạn đọc!” Nếu viết những điều lảm nhảm, ngây ngô, không kể bóp méo sự thật, thì khả năng bị bạn đọc coi thường, chính quyền từ chối hợp tác trở thành hiển nhiên.

Xã hội vẫn đánh giá cao, trân trọng nhà báo chân chính và cũng lo ngại trước sự nảy nở nhanh chóng của các nhà báo tai tiếng.

25 thg 8, 2014

Bút ký viết từ quán nhậu

Đêm khuya lắm rồi, bóng tối đã há hốc miệng như cái vực thẳm nuốt chửng mọi thứ, chỉ trừ quán nhậu tồi tàn vùng ngoại ô này. Ở một góc nhà, có người đàn ông đang dạy con chó của quán uống rượu…

Gã say không còn biết gì, nhưng mắt vẫn lóe lên sự tinh quái khi nghe trong gió có ai nhắc đến tên một loại rượu! Chị vợ ngồi cạnh, mềm yếu như miếng bọt biển thấm hút mọi nỗi đớn đau từ một ông chồng say sưa, rụt rè kéo tay áo chồng giục về. Gã ngước nhìn chị như thể chị là bức hình gớm ghiếc được người tiền sử khắc trên vách đá. Chị nghiến chặt răng: “Rượu ơi là rượu!”.

Lập tức, một tửu khách mắt trắng dã lên tiếng: “Rượu chẳng có tội tình gì. Ai bảo đi nốc lắm vào! Ngay thói bạo dâm với liều lượng thấp cũng chẳng có hại gì cho các bà!”.



Khi ta uống rượu

Trong các bữa tiệc, dù chủ nhà có dọn ra bào ngư 2 đầu, tôm hùm 26 chân hay tổ yến hấp đường phèn mà không có tý rượu bia thì ăn gì cũng nhạt mồm! Chân lý này được một nửa nhân loại thừa nhận. Còn một nửa kia nghi ngờ, song cũng không dám phủ nhận. Bởi nó đã được các nhà khoa học đáng kính khẳng định: “Rượu bia kích thích tiêu hóa!”.

Họ lấy minh chứng: Đàn ông vùng Bordeaux (Pháp) thọ dai vì quanh năm uống rượu vang, còn nước lã chỉ để... tắm? Thế nên, từ rất xưa rồi, trong gánh hàng xén của người vợ đảm Việt Nam đi chợ bao giờ cũng thấy cất cút rượu ngon cho chồng. Thậm chí, có đấng mày râu lúc sống không dính đến tửu, nhưng đến khi chết vẫn có chai rượu cúng thờ! Có lẽ để cho ông còn sửa chữa sai lầm khi ở dương gian.

Rượu không chỉ làm da dẻ thắm đỏ như một quả mận đã rửa sạch vỏ, nó còn là thứ thuốc bổ tinh thần, là chất gây men sáng tạo cho người nghệ sĩ. Lý Bạch là ông tiên thơ cũng là tiên tửu, nên nhiều nhà thơ Việt Nam cũng bắt chước ông uống rượu. Còn với người chưa nghệ sĩ thì nó (rượu bia) đem lại niềm vui cuộc sống. P làm kỹ sư cho một hãng tàu, người bé một mẩu. Vô tình, anh lấy được cô vợ đẹp, có nước da màu ánh trăng.

Anh quấn lấy cô như dây thường xuân quấn ngôi nhà cổ. Song cô lại chỉ tôn thờ chính hình bóng mình trong gương. Từ đó anh đã phải lòng rượu bia, khi tìm thấy trong thứ nước cay này niềm vui êm đềm, an ủi. Lạ thay, chỉ cần 4 cốc bia hơi Hải Phòng là nỗi buồn “thắm hơn máu đỏ” được hòa loãng. Thêm 4 cốc nữa, anh lại thấy đời ối đàn bà đẹp hơn cả vợ mình! Họ vây quanh anh như đám quả chín rụng quanh gốc cây.

Khi đồng tử mắt dãn ra báo hiệu cơn say nhẹ nhàng đang đến, anh không còn cần đến các loại thuốc an thần - cái thứ cocktail chết tiệt của thế kỷ thứ 21 - mà vẫn ngủ ngon như chưa bao giờ được ngủ. Trong những giấc mơ anh thấy mình đang cúi xuống nhặt các trái cây chín ngọt lên để thưởng thức!

Sau này, dân nhậu đồn rằng anh chàng kỹ sư bé nhỏ đã bị đổ trước vẻ đẹp nở nang của cô bán bia. Không rõ, nhưng chắc chắn rằng anh đã thoát được cái tội lỗi đáng chết nhất - nỗi buồn! Niềm vui cuộc sống trở lại với anh. Ngày nào mặt trời cũng mọc ở trong tim anh và trên gương mặt tươi tỉnh của anh sau cốc bia hơi thứ 4.

Thực ra không phải chỉ những người đã nếm mùi đau khổ như anh P mới được hưởng các niềm vui từ rượu bia. Cụ H, nguyên thuyền trưởng đã nghỉ hưu một con tàu biển trọng tải 14.000 tấn, chiều nào cũng uống 2 cốc bia hơi Hải Phòng nếu ngày đó nắng, 4 cốc - nếu ngày đó mưa. Mỗi khi cụ rời quán bia về nhà bước chân linh hoạt, dường như trong các khớp xương già nua có cả tiếng nhạc!

Do cũng nhiều lần, bị bia xúi giục, cụ đem những câu chuyện tình lãng mạn trên các cảng biển ngày xưa, tưởng đã khô héo và bị xếp xó, ra kể lại trên bàn nhậu, làm đám hậu sinh tròn mắt ngưỡng mộ. Bia đã khiến cho cụ thuyền trưởng H oai phong trở thành dễ tính. Có hôm, giữa trưa mát mẻ, cụ nằm ngủ ngay trên bàn cạnh con mèo già béo ú của quán và ngáy ầm ầm giống tiếng còi tàu báo hiệu sương mù.

Ngắm cảnh tượng thanh bình đó, có thi sĩ phường cảm hứng viết thành bài thơ nhan đề: “Rượu và Hòa bình” rồi đem dán lên vách quán. Bài thơ chỉ sống được có 2 tiếng, vì khi thi sĩ khật khưỡng rời quán nó bị chủ quán lập tức lột xuống. Tội nghiệp bài thơ! Ngoại trừ giá trị nghệ thuật, còn thì bài thơ có lý!

T và KH từng là bạn thân của nhau, bây giờ thì họ ghét nhau. Đúng như các cụ xưa nói: “Oan gia ngõ hẹp”, số phận bắt họ cứ phải song hành với nhau: Cùng học phổ thông, cùng vào đại học, vào cùng cơ quan, cùng tranh giành nhau cái ghế quyền lực trong suốt cuộc đời, có lẽ họ chỉ nhường nhau đường xuống nghĩa trang Văn Điển. Thế rồi vào một bữa tiệc cơ quan cuối năm, họ ngồi cùng nhau.

Trong bầu không khí vô tư, hồ hởi như tiếng của rượu sâm banh sủi bọt trào ra từ cái chai vừa mở nút và nhất là khi rượu thơm ấm áp đã ngấm vào người, họ thấy trái tim vui vẻ. Mà một trái tim vui vẻ giết chết được đủ các thứ vi trùng hơn tất cả loại kháng sinh trên đời, kể cả là thói ghen ghét, đố kị. Đến khi cặp mắt lờ đờ, hoang vắng của họ nhìn thấy nền nhà không còn bằng phẳng, thì cả hai ôm nhau hát!

Họ hát nhiệt tình khiến tôi nghe thấy âm hồn Phạm Duy đang gào thét ở dưới mộ, vì bọn họ đã giết chết âm nhạc của ông bằng cái giọng hát như hét xả hơi, chứ không phải để biểu đạt niềm vui cuộc sống. Dẫu sao thì cả cơ quan đã vui mừng (hụt) khi chứng kiến họ làm lành với nhau. Bởi sáng hôm sau, lúc đã tỉnh rượu, họ lại ghét nhau! Nuối tiếc một cuộc hòa giải bất ngờ, dở dang, chủ tịch công đoàn công ty được các đoàn viên ưu tú tham mưu: Hàng tuần thu xếp để họ cùng nhau uống rượu! Rượu làm con người xích lại gần nhau.

Ông C thuộc dạng công chức mẫu mực tại một cơ quan hành pháp. Ở chốn công đường, lúc nào ông cũng tỉnh táo tựa quan chánh án. Đám nhà báo muốn moi được tin tức từ ông thì luôn gặp phải bộ mặt như bị nhổ răng. Vợ ông than thở, ở nhà ông cũng không khác người bị treo lưỡi.

Thế nên bất ngờ gặp nhau trong một quán bia, tôi chẳng thể nhận ra ông: Một người dễ dãi, nói năng bỗ bã, lúc nào cũng nhe răng cười với những bạn nhậu hình như còn chưa thuộc tên. Có vẻ như bia giỏi hơn vợ ông trong việc biến ông thành một con người hòa đồng, sống thực với mình.



Và lúc rượu bia “uống” ta

Hồi còn bao cấp, bia là thứ hàng phân phối. Quý lắm! Uống cốc bia hơi, cô mậu dịch viên bắt phải mua kèm một đĩa lòng lợn. Còn bia chai thì may ra được uống vào ngày... giỗ bố! Khi ông tổng giám đốc bia Hà Nội đương thời công du Hải Phòng, ông được các giám công ty ăn uống, du lịch địa phương đón từ Quán Toan cách Hải Phòng 10km và xin được yết kiến ông cả sáng đến đêm, vì ông là vua bia của thời ấy.

Bây giờ bia đã trở thành nước uống phổ thông. Nhiều con đường của thành phố luôn có mùi khai đặc trưng vì nhiều quán bia hơn nhà vệ sinh. Mặc dù trên bàn ăn giới trung lưu hiện tại bia ít xuất hiện, thay nó là rượu. Người mạnh mẽ thích Whisky. Dân sành sỏi ưa rượu vang. Kẻ “quý tộc” uống sâm banh Dom Perignon hoặc Moet & Chandon. Song người ta vẫn thích đến quán bia bởi sự bình dân của nó.

Ngay từ ngày xưa, Hải Phòng đã nổi tiếng về uống bia. Họ có thể uống từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc mấy giờ còn tùy thuộc vào khả năng tài chính. Người thủ đô xuống đất cảng phục xanh mắt nhái thấy 2 thanh niên xách đầy một xô đựng... bia, cầm gáo bằng vỏ sắt tây, ngồi xổm ngay xuống vỉa hè khà khướt. “No” thì trút ra gốc cây, xong rồi trở lại uống tiếp!

Ngày mới lấy chồng, trên đường về nhà, chị B bắt gặp chàng đang bước nhanh như một người tình vội vã đến nơi hò hẹn. Chị vội lần theo tới một nhà hàng và bắt gặp... lũ bạn nhậu đang ngồi trong quán chờ anh. Bây giờ thì chị mặc kệ, vì biết chắc rằng chừng nào những ngôi sao chổi còn chưa bắt đầu lang thang ở trên bầu trời thì chồng chị còn ngồi đấy! Chị chỉ ngạc nhiên quán nhậu có gì quyến rũ chồng mình đến vậy?

Một lần chị đã đến đó để biết. Chị kể với tôi chị thấy một đống đàn ông ồn ào như cơn bão biển, uống thì ồng ộc chẳng khác lạc đà chết khát, ăn thì mấy con mực khô dai như là bít tất luộc, nào có phải sơn hào hải vị gì? Vậy mà, chị buồn cười khi phát hiện, ở quán đàn ông chém gió như bị bỏ bùa. Có lẽ đây là nơi để ngôn ngữ xả hơi. Ai cũng nhiễm chút khoa trương của thứ diễn đàn ngoài trời. Họ luận bàn, phê phán đủ mọi thứ: Lớn từ phát biểu của một nghị sĩ quốc hội, bé đến những lời than vãn dài như một cuốn từ điển của vợ ở nhà.

Phần lớn chuyện trên bàn nhậu đều là vô bổ, bởi vì bản năng bầy đàn đánh giá cao sự tầm thường. Thế mà ai cũng mặt đỏ tía tai như miếng thịt cá ngừ nướng, ai cũng nói to đánh thức được cả người chết! Chẳng bù khi đi họp tổ dân phố, mồm không khác bị dính kẹo caosu. Hay đi họp lớp cho con cũng vậy, cấm có hé răng trước những cò mồi tiền bạc vô lý của ban đại diện cha mẹ học sinh để chiều lòng cô hiệu trưởng.

Có vẻ bao nhiêu hùng khí nam nhi của họ chỉ phát tiết trong tửu quán! Chị B chua xót nhận ra: Phần lớn hiểu biết của chồng thì ra được nhặt nhạnh trên bàn nhậu, từ những kẻ có nền tảng văn hóa du canh, du cư, bởi vì quán nhậu không phải là nơi người ta kích thích tình yêu sách vở, thi ca, âm nhạc. Với rất nhiều người nó là chỗ đốt thời gian thừa thãi. Suy cho cùng thiếu thời gian chỉ là biểu tượng của người đàn ông thành đạt. Mà người đàn ông thành đạt, không hẳn đồng nghĩa với người giàu có, thích dùng thời gian cho sự cống hiến, học tập, nghiên cứu hơn là ngồi luận anh hùng ở trên bàn nhậu

Đã đến cái giờ chị B chờ đợi: Những ngôi sao chổi bắt đầu lang thang ở trên bầu trời. Những kẻ còn chút tỉnh táo ôm cái bụng tròn ngất ngư, chẳng khác gì đàn ngỗng no căng nước, bắt đầu ra về. Họ phóng như điên trên đường, bởi chảy ở trong người họ bây giờ là rượu, chứ không phải máu! Đã có nhiều người không về đến nhà. Họ phải nằm lại trên đường và từ người họ chảy ra không phải là rượu, đích thực là máu! Còn lại trong quán một gã du đãng về già uống rượu giải sầu, khóc như trẻ nhỏ, có lẽ vì rượu đã cạn.

Vài người khác ngồi gục đầu, hít thở không khí đờ đẫn, vô cảm như mảnh giấy dầu trong mưa. Chẳng ai biết họ nghĩ gì? Song chắc họ không mơ tưởng cổ phiếu cuộc đời của mình vào ngày nào đó tăng giá! Một chàng thanh niên tóc dài, râu rậm, khiến người ta nghĩ ông thợ cắt tóc của anh chắc chết từ đầu năm ngoái, cơ thể đã nhão như miếng bọt biển, thẫn thờ ngắm con bọ cạp ngâm dưới đáy chai.

Anh đang hy vọng tìm lại sức mạnh đàn ông của mình nhờ vào nó chăng? Thế rồi đột nhiên anh nằm gục xuống thành một đống đầy góc cạnh, xanh xao. Thấy vướng, 2 gã lưu manh, mang những bộ mặt mà người dân lành không dám gặp vào ban đêm, đẩy anh ta rơi xuống đất như hất một đám mạt cưa. Chẳng ai động đậy. Thậm chí lão chủ, chứng kiến các cảnh bạo lực như chuyện thường ngày ở quán, còn nở nụ cười đồng lõa! Cơ quan công an nói rằng rất nhiều tội ác đã được ấp ủ từ những quán nhậu.

Chưa có bao giờ người Việt Nam đến quán nhậu nhiều như bây giờ. Không biết từ đâu và từ khi nào họ bị tiêm nhiễm lối uống rượu kiểu giang hồ Thủy Hử, lấy số lần “dzô” để đo tình cảm. Thậm chí có những nhà văn, nhà thơ... nổi tiếng ở tầm mini, nâng rượu thành thứ tiêu chí thanh cao tưởng tượng, suốt ngày trình diễn trên mạng xã hội các cuộc “không say không về” của mình, theo kiểu “ngưu ẩm” của những nhân vật võ lâm quần chúng trong chưởng Kim Dung.

Dẫu sao, rượu chẳng phải là thảm họa xã hội như có một nữ nhà văn lên tiếng. Bảo rằng rượu là nguyên nhân làm cho tâm hồn héo úa, tội ác hay là bệnh ung thư gan, thì có khác gì đổ cho “cái ấy” là thủ phạm nạn mại dâm! Vấn đề là rượu chỉ làm con người say sưa, còn chính chúng ta làm mình say sưa tan nát! Đáng buồn, không phải ai cũng biết cách uống rượu khôn ngoan. Bởi văn hóa rượu là một hàm số của trình độ giáo dục và nguồn gốc xuất thân.

Trận mưa mềm đang nhẹ rơi, thổi vào tửu quán nồng nặc mùi rượu một làn gió ẩm như là tiếng thở hắt ra từ những gã say. Tôi phỏng vấn câu cuối cùng với kẻ cuối cùng rời quán: “Liệu Bộ Y tế có cấm được việc bán rượu sau 22 giờ?” - “Cấm thế đ. được! Cấm đoán chỉ để cho bọn tham nhũng có thêm cơ hội làm tiền!”.

15 thg 8, 2014

Đồ Sơn: Ai mua nhan sắc, ai bán phấn hương?

Đêm xuống Đồ Sơn, sương mù lãng đãng tựa như hơi thở lạnh lẽo của một mảnh trăng bị mây che khuất. Tiếng biển ầm ì không át được tiếng huyên náo từ các quán ăn đầy những khuôn mặt đờ đẫn, đỏ ửng màu máu bốc hỏa. Một nhóm đàn ông phê phê ngồi ăn ghẹ luộc.

Giữa những nụ cười nhăn nhở vì được nghe kể câu chuyện tiếu lâm tục tĩu và tiếng hát ngợi ca thành phố Hoa phượng đỏ từ các cái miệng đã nhão ra vì bia rượu có giọng ai đó: “Biển động thế này làm sao tắm được!”

Một anh chàng rất bé nhỏ ngồi sau bàn ăn chỉ nhìn thấy mỗi chỏm tóc, bật cười ha há: “Thằng này điên à? Ai đi Đồ Sơn để mà tắm biển. Uống đi! Xong vào kia tắm, có vòi hoa sen!” Cặp mắt trắng đục như miếng thịt đông của gã nhìn lên một dãy phòng nghỉ ở phía đối diện. Tại đó, trên những chiếc giường quá hẹp cho sự hoang dại có đống chăn đệm lộn xộn và những nút buộc thắt bằng da thịt.

Người có vẻ như thủ lĩnh của nhóm hất đầu nói với chủ quán: “Có hàng tuyển không?” Chủ quán liếc cái máy ảnh bên cạnh anh ta (mấy ngày nay báo chí nói về Đồ Sơn hơi bị nhiều) rồi trả lời bằng cái giọng ngọt ngào giả tạo và đầy ngờ vực như vẻ mặt con mèo già đang gầm gừ ở góc bếp: “Dạ, chỉ có con này thôi ạ!”

Thấy cô tiếp viên hơi thở vẫn còn mùi hành, anh chàng bé nhỏ kêu lên: “Đại ca! Mình vào khu 3. Đồ Sơn có thiếu gì em!”



Ai đi bán dâm

Mặt trời vừa lặn, khép mí mắt của đêm tối, hàng chục cô gái với những bộ ngực khiêu khích, cặp mông to tròn, phục sức cám dỗ lộ liễu – bố cục hoàn chỉnh của bức tranh cô gái điếm hạng hai – lại đổ ra con phố dài hơn 200 mét nằm trong khu tập thể Bộ Xây dựng tại phường Vạn Hương của quận Đồ Sơn. Có thể nhận ngay ra họ bởi những cặp môi tô son đỏ chót như một vết thương đẫm máu nằm ngay giữa mặt, nhờ vào bộ mặt được trát phấn dày đến nỗi mỗi lần họ nói nó kêu cót két như bạn đi một đôi giày da mới.

Họ mời chào khách qua đường bằng cách thích thú nghiêng nửa thân trên để phô hai miếng mồi nhử cái nhìn hâm mộ đầy sống sượng của đàn ông, hay họ chấp chới hàng mi, mỉm cười ngây thơ như một nữ sinh trung học. Nụ cười của họ không phân biệt giữa người cao và người thấp, người béo và người gầy, chúng chỉ khác nhau giữa người giàu với người nghèo. Thế nhưng khi bạn đi khuất, họ cũng sẽ không thương tiếc quất vào nhau những từ ngữ của các xóm liều mạt hạng.

Đôi khi họ cất tiếng hát bằng cái giọng buồn và rè vì thức đêm nhiều. Không biết họ moi đâu ra những bài hát nghe lạ lắm (chắc lời bài hát bị “chế”). Trong các bài hát của họ có sự ham muốn nóng bỏng của người đàn bà và những vết cắn điên rồ của người đàn ông, có lời than thở ai cũng đến lúc phải biến mất khỏi cõi đời, đừng để tội lỗi đáng chết nhất là nỗi buồn làm mình héo hon, mòn mỏi. Nó nhắc nhở rằng trên đại dương hình vỏ sò có bãi biển nào hạnh phúc hơn là Đồ Sơn.

Thấy họ hát “Anh đã yêu một nàng thiếu nữ” chứ không phải “Anh đã yêu một làng thiếu nữ” tôi biết họ không phải người Hải Phòng, vì họ không bị lẫn lộn giữa l và n. Nhờ người quản lý, một gã bị đen cả hình thức lẫn tâm hồn, kể toang toác về các cô, tự hào như chính gã đã ấp cho họ nở ra vậy, tôi biết cô Lan là người Thái Nguyên, cô Tuyết - Bắc Cạn, cô Huệ - Lạng Sơn…

Thế nhưng bạn chớ vội tin. Đó là nickname của họ ở Đồ Sơn thôi. Tên thực của họ hiền lành hơn nhiều: 90% là Mơ, Mận, Đào! Họ mang từ trên rừng về cái bẫy đàn ông là bộ ngực lớn và cái eo vừa nắm được trong hai bàn tay. Qua cách ăn mặc và lời ăn nói của họ, biết họ là những người có ngực nhiều hơn não.

Họ thường kể những câu chuyện bi thảm về gia đình, cuộc đời họ. Thật khó phân biệt đâu là thật giả, vì chúng giống nhau như những hạt lạc trong một củ lạc. Vẫn cái motif cổ điển: bố mẹ ốm nặng, chồng bỏ (hoặc chết), để lại con thơ.

Đôi khi các câu chuyện có vị mặn của giọt nước mắt về nỗi cực nhục trong nghề buôn phấn bán hương khi gặp phải những ông chủ nghiệt ngã, tham lam hay thói bạo dâm của các khách hàng, những kẻ khinh bỉ các biện pháp để quan hệ tình dục an toàn. “Họ có tiền mà!” – các cô nói trong nghẹn ngào.

Thế nhưng hỏi rằng đã có cô nào dũng cảm bỏ chốn thanh lâu, trở về quê cũ, mỗi sáng Chủ Nhật mang gà lên chợ huyện bán, lấy anh hàng xóm cục mịch như bức tường đất làm chồng, và đẻ ra một lũ con hay chưa? Thì các cô đều lảng tránh.

Cuộc sống nhàn hạ, ăn trắng mặc trơn, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, kiếm tiền lại nhanh như đi tầu điện, có sức hấp dẫn nhiều cô gái trẻ nông nổi. Họ bỏ việc ở công ty may mặc, công ty da giày, tự nguyện chuyển nghề - làm gái. Vĩnh biệt đồng lương một tháng 2 triệu! Để rồi mỗi lần về quê cưỡi xe tay ga, mặt hoa da phấn, cổ đeo dây chuyền 5 chỉ do một người tình mua tặng để chứng tỏ cái trọng lượng tình yêu của gã, thỉnh thoảng dúi cho bố mẹ 5 – 10 triệu đồng chắc hãnh diện hơn đứa bạn cùng xóm người gầy tong teo như quả đậu đũa vì thiếu ăn và tháng ngày triền miên làm việc thêm giờ ở các công ty da giày, về quê đi xe đạp tàng, đeo một chiếc túi nhẹ tênh đựng mấy gói bánh rẻ tiền làm quà cho lũ em đang đi học. Còn nỗi đau đớn, nhục nhã thân xác thì được phòng the và bóng tối che lấp hộ, bố mẹ họ hàng làm sao biết được!

Thực lòng tôi cũng không hiểu họ có cảm nhận “đau đớn”, “nhục nhã” hay không, vì thấy họ cứ nói cười thoải mái, vô tư, có cô ngây thơ như chú chuột chưa bao giờ ra khỏi miệng hang. Nhìn kỹ mới biết: cô nhổ lông mày một bên nhiều quá, nên trông một bên lúc nào cô cũng như đang ngạc nhiên, chứ không phải cô cố đóng giả nai. Ở giữa đám đông, họ giống như con cá vàng thả trong bể nước, cứ thản nhiên lạnh lùng bơi, không thèm để ý đến sự tò mò của đống đàn ông đang trố mắt nhìn. Họ rất nhanh chóng thích nghi với lối sống họ tự chọn.

Đồ Sơn ngày nay, những cô gái bị cưỡng bức bằng vũ lực để bán dâm chỉ còn có trong tờ báo lá cải. Tú ông bây giờ đã có kiến thức pháp luật để biết kinh doanh những cô này rất nguy hiểm, vào tù như chơi. Họ thích các cô coi bán dâm là một nghề.

Thời đại a-còng cũng làm thay đổi rất nhiều hình ảnh cô gái bán dâm. Có thừa thời gian không để làm gì, trong tay lại sẵn có Iphone 4, Iphone 5, họ rất chịu khó nhắn tin, lướt web và xem ti-vi. Họ thích nhất phim “Người đàn bà đẹp” vì ở đó có cô điếm lấy được anh chồng tỷ phú. Họ vẫn có người yêu họ, nhiều người hai buổi đưa đón các cô đi làm.

Tôi nói chuyện với một người, anh ta hạnh phúc như bao kẻ tình nhân khác. Nhờ chịu vào mạng, họ bắt đầu biết những chuyện mà các đàn chị của họ không hề quan tâm: Chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn, kiến thức pháp luật và cả đời sống xã hội. Để cứu “sự nghiệp” đừng bị chấm dứt trước khi có đủ tiền mua nhà, lấy chồng, đẻ con, họ biết rắc ít kiến thức lên cái nhan sắc làm bẫy đàn ông của họ.

Có cô đã biết học cách trang điểm giống con nhà lành để đôi cánh của nữ tính không sợ và bay đi mất. Có cô biết hỏi: “Nợ công là gì?” Chắc cô này là sinh viên đi bán dâm đóng tiền học? Họ cũng vào Phây (Facebook) kết bạn. Không biết ở đâu hình ảnh của họ là thật: trên Phây hay là trên giường?

Ai đi mua dâm

Bác sỹ K. xoa xoa tay nói với bệnh nhân: “Tiền liệt tuyến của bác đang bắt đầu phì đại!” Bệnh nhân là nhà thiên văn, ông hỏi bác sỹ với giọng lo lắng: “Uống thuốc gì thưa bác sỹ?” – “Chả cần thuốc gì! Anh cứ quan hệ đều đặn là tự nó teo!”

Trời ơi! Ba mươi năm nay ông chỉ ngước lên bầu trời ngắm các vì sao, không có thời gian nhìn xuống để ngắm các cô gái đẹp. Ba mươi năm ấy ông sống trong cái giang sơn trong trắng của đời độc thân. Bây giờ quan hệ với ai, chẳng lẽ với các vì sao? “Chẳng cần đi xa thế đâu! Ra Đồ Sơn là có ngay!” – Bác sỹ nửa đùa nửa thật.

Rồi một buổi tối mùa đông, Đồ Sơn biển động, gió thổi căng các đám mây xũng nước, những đàn chim biển nháo nhác ầm ĩ, người ta thấy nhà thiên văn lén lút chui tọt vào một căn nhà có những cửa sổ đóng kín nằm ngay mép biển. Ông đi chữa bệnh!

Ông C. là công chức của sở T. Vợ ông là người đàn bà thông minh nên bà quá say mê bản thân mình. Thú vui của bà chưa bao giờ xuống đến bếp. Người của công chúng, bà đi suốt ngày. Ông thường than phiền gặp vợ trên các trang bìa tạp chí nhiều hơn gặp bà ở nhà.

Những lúc cô đơn ông lại ngồi trước tủ lạnh cả đêm và chén tỳ tỳ. Ông “mất” vợ, nhưng được thêm 10 cân. Bác sỹ nói thần kinh ông có vấn đề.

Nỗi buồn xua chân ông lang thang đến Đồ Sơn. Ở ngoài bãi biển ông gặp một người đàn ông đi du lịch cùng với vợ. Bà này đã già, da thịt nhăn nheo không khác gì tấm bản đồ địa hình mặt trăng, chẳng còn ham muốn mà vẫn nghiệt ngã, chỉ nhìn biển có một mắt, mắt kia phải thường trực theo dõi chồng, mặc dù hàng bao năm nay ông chưa bao giờ nói với gái điếm quá một từ “Không!”

Ông C. đã giúp bạn mình thoát khỏi bà vợ luôn miệng cằn nhằn bằng cách kéo nhau lên chiếc taxi. Giống như taxi nào ở New York cũng biết đường đến quán rượu, taxi nào ở Hải Phòng cũng biết đường tới một động Đồ Sơn. Hai ông đi tìm những người đàn bà sẵn sàng cho họ những mối quan hệ không có ngày mai, không có hậu quả, chỉ để giảm stress mà thôi.

Anh T. là một thày giáo, nhờ dạy thêm mà có nhiều tiền hơn kiến thức. Anh có nhà lầu, ô tô, vợ đẹp. Anh giữ được cuộc hôn nhân nguyên vẹn không chỉ nhờ tiền mà còn bằng sự đắng cay, chịu nỗi sỉ nhục mà chẳng biết nói với ai. Mỗi lần vợ anh “vừa đặt chân vào cánh đồng ham muốn thì đã nghe thấy tiếng hát thắng trận của anh ở phía bên kia cánh đồng” (G. García Márquez).

Vợ anh không nói không rằng. Nhưng chẳng có sự lạnh lùng nào bằng sự lạnh lùng của người đàn bà đẹp. Từ đó anh ra Đồ Sơn để tìm kiếm sự an ủi của những cô điếm mà cái sự cố “chưa đi chợ đã hết tiền” của anh được họ đón nhận như là ưu điểm. Lần đầu được hôn vào môi, anh đã nhăn nhó như hôn phải con rắn chuông. Nhưng rồi thấy không chết người, mà còn làm cho tim mình ấm áp, anh trở thành khách quen của họ.

Không ai dám nhìn đểu A dù cậu mới 17 tuổi, nhưng cao 1m80 và vẫn còn tiếp tục lớn. Từ hai năm nay, A. khổ sở vì những cơn mộng mị. Cậu vừa thích vừa xấu hổ.

Người rủ rê A. đi giải phóng những năng lượng dư thừa là D. hàng xóm của cậu. D. thuộc loại người ngẫu hứng, có thể tán tỉnh bất cứ người đẹp nào anh tình cờ bắt gặp trên một bến chờ xe buýt. Anh đào hoa từ lúc mới sinh ra, như người Congo sinh ra đã đen. Một nửa cuộc đời anh lên rừng để tìm mỏ, nửa đời còn lại anh đi xuống biển để tìm đàn bà. Anh nhìn họ như nhìn thấy cái kẹo, sẵn sàng cho vào miệng để nuốt chửng. Anh có đám bạn giống anh. Họ thường hát trong khi nhậu: “Con bò có một cái u, đàn ông một vợ còn ngu hơn bò!” Sau đó, họ kéo nhau ra Đồ Sơn để chứng tỏ rằng họ không ngu hơn con bò.

Có điều rất lạ, chị vợ anh D. lại thản nhiên coi chuyện đó như khi đi qua vũng bùn thì phải nhấc chân. Chị bô bô nói: “Cho lão đổi món một tý! Lão đi với bồ mới sợ, chứ đi với điếm đến sáng lại về. Cứ vô tư đi!”.

Những người giống như anh D. có đủ lý do để đi Đồ Sơn: tăng lương, mất việc, gặp xui, lấy may… Thậm chí chẳng lý do gì – đi theo bản năng thúc đẩy. Người chưa có vợ lại không đông bằng người đã có vợ.

Từ ngày kinh tế thị trường, Đồ Sơn còn là nơi chiêu đãi khách. Buổi tối một ngày mùa đông, có hai người đi với nhau vào động. Một người trẻ tuổi mà đầu chỉ còn vài ba cọng tóc bướng bỉnh như cây cỏ dại lon ton chạy trước. Người sau dù đi chơi gái song vẫn giữ được dáng vẻ bệ vệ như một thống chế của Hoàng đế Pháp Napoleon.

Gã quản lý ngồi sau bàn đang ủ rũ như một con ếch béo nhợt nhạt đứng bật ngay dậy. Một cái đảo mắt lén lút để nhận ra tờ 500 ngàn đồng trong tay của người trẻ tuổi. Không được phép bất lịch sự với người đã bo cho mình nhiều tiền đến thế. Gã thầm thì nói sẽ chọn cho sếp một em “chỗ nào đáng to thì to, chỗ nào đáng nhỏ thì nhỏ”. Ngay lập tức một cô gái có nước da màu ánh trăng, cặp môi mòng mọng như đang hờn giận xuất hiện. Cô gái đưa sếp lên gác, còn người trẻ tuổi và gã quản lý lại ra quầy ngồi cùng với vài vị khách chờ đến lượt, chẳng ai nói chuyện với ai, trông như một đống đồ đạc cố định.

Khoảng một giờ sau sếp xuống mặt mũi phởn phơ, toàn thân vui vẻ. Người trẻ tuổi đã thanh toán mọi thứ, sếp ung dung mở cửa xe, chiếc Camry biển kiểm soát Hà Nội lăn bánh chạy vào Hải Phòng.

Sếp chỉ là một trong rất nhiều người Hà Nội khi xuống Hải Phòng hội họp, làm việc được dân bản địa chiêu đãi đặc sản Đồ Sơn.

Vào ngày có hội chọi trâu, các động mở cửa tưng bừng, chỉ còn thiếu tấm băng-rôn “Welcome to Do Son” để đón từng đoàn khách những tỉnh thành lân cận về Đồ Sơn xem chọi trâu và vẫn còn bị ám ảnh bởi cái không khí chiến đấu hừng hực của lũ trâu dại.

Đồ Sơn nổi tiếng mại dâm đã đi vào trong câu thơ gần như trở thành ca dao “Không đi không biết Đồ Sơn”. Thật trơ trẽn thay cho người nào bảo Đồ Sơn không có mại dâm.

Lincoln, tổng thống Mỹ nói: “Dù có gọi đuôi con ngựa là chân thì con ngựa vẫn chỉ có 4 chân”. Mọi sự ngụy biện không thay đổi được bản chất, sự thật. Mại dâm có sức sống rất bền bỉ, bởi nó phục vụ cho một nhu cầu thuộc bản năng gốc con người. Từ thời thượng cổ, người ta đã tìm cách để sống chung với nó, vì nó giống con quỷ trong thần thoại: chặt một đầu sẽ mọc ra hai đầu.

Rất nhiều quốc gia từ nền văn minh phương Tây (Mỹ, Anh, Pháp, Đức) đến nền văn minh phương Đông (Nhật Bản, Hàn Quốc) từ lâu coi mại dâm là một nghề. Nếu bảo họ không giữ gìn thuần phong mỹ tục, chà đạp nhân phẩm phụ nữ bằng cách công khai mại dâm, thì đấy là sự thiển cận.

Ai không biết câu “Đàn bà, trẻ con, chó và đàn ông” được phổ biến ở phương Tây. Ngay phương Đông thôi: Thái Lan với bãi biển Pathaya nổi tiếng, Nhật Bản có đầy những phố đèn đỏ, thế nhưng đàn ông Thái có sa đọa hơn không? Đàn bà Nhật có thấy bị xúc phạm nhân phẩm hơn không? Mại dâm không phải thủ phạm đẻ ra tiêu cực xã hội như nạn tham nhũng.

Sự tràn lan của mại dâm ra khắp hang cùng ngõ hẻm Việt Nam chứng tỏ cuộc chiến đấu chống mại dâm theo kiểu cũ đã thất bại. Đa số gái bán dâm ở Đồ Sơn là người tình nguyện. Họ coi mại dâm là nghề. Họ đang thay đổi rất nhiều nhờ vào… công nghệ IT.

Vậy thì, đã đến lúc phải thay đổi cách quản lý họ. Nhà nước chưa cần tiền thuế đánh vào cô gái bán dâm, cũng không sợ họ là môi trường gây bệnh tật, bởi vì ngày nay ai cũng học cách tự bảo vệ mình. Quản lý để ngăn chặn sự lây lan của nghề mại dâm mới là mục tiêu căn bản.

Ngày xưa, Hà Nội có phố Khâm Thiên, Hải Phòng có Quán Bà Mau – những xóm cô đầu được cấp giấy phép hành nghề công khai. Ai dám coi thường dư luận xã hội thì mới bước chân vào đó. Thế nên ngày xưa không có cái chuyện từ già đến trẻ đều đi Đồ Sơn như là ngày nay.

Nếu cứ mập mờ sẽ có những người đến Đồ Sơn đánh rơi quần, sau đó lại về lên bục rao giảng. Đồ Sơn lại mắc thêm tội nuôi dưỡng thói đạo đức giả!

28 thg 7, 2014

Cướp biển - Lãng mạn và Hiện thực


Cướp biển! Kỳ lạ thay hai chữ gớm ghiếc đó có lúc lại không gây trong đầu óc của chúng ta nỗi khủng khiếp. Ở đây, chắc chắn các nhà văn đã góp công của họ. Có mấy ai đã đi qua tuổi thơ mà không mang theo trong phần cuộc đời còn lại của mình hình ảnh đã được mô tả say sưa trong các kiệt tác văn chương của Byron, Stevenson... về những con tàu cướp biển lộng gió đại dương có cái tên thật dữ tợn “Trừng phạt” và lá cờ đen trên đỉnh cột buồm vẽ hình một chiếc đầu lâu với hai ống xương vắt chéo?

Cái truyền thống lãng mạn hóa cướp biển đó đã gây không ít ngộ nhận cho nhiều thế hệ về bản chất thực của “Tội ác chống lại loài người”, đúng như định nghĩa của luật quốc tế về cướp biển này.



Từ cướp biển Berber đến kho vàng của thuyền trưởng W.Kidd

Ngay buổi bình minh của nghề hàng hải, cướp biển đã xuất hiện. Khi người lái buôn đầu tiên xếp hàng lên tàu thì cũng là lúc có tên cướp biển đầu tiên đã rình rập nó. Ở Địa Trung Hải, với nền văn minh Hy-La rực rỡ, kinh tế thương mại phát triển, sự nghiệp của bọn cướp biển cũng đà tiến theo chiều gió. Chúng tụ tập nhau trên các hoang đảo, tấn công những thành phố lớn ven biển cướp bóc, đốt phá, bắt người bán làm nô lệ.

Thậm chí Caesar vĩ đại cũng đã từng là tù nhân của cướp biển đảo Farmacuse. Theo cuốn tiểu sử danh nhân của Plutarch, bọn cướp đã bắt Caesar nộp 20 talant vàng chuộc mạng. Nhà độc tài La Mã tương lai nổi tiếng không muốn bị “rẻ rúng” đến như vậy đã tự nâng giá mình lên 50 talant. Có điều, tuy là tù nhân, nhưng trong 40 ngày chơi trên đảo, Ceasar bắt lũ hải tặc ngồi nghe ông ngâm vịnh những bài thơ mới làm, cấm chúng không được ầm ỹ phá quấy giấc ngủ của mình!

Đến thời Trung cổ, châu Âu phong kiến thèm khát phương Đông có nắng ấm và hương liệu. Trên bàn tiệc của tầng lớp giáo sĩ cao cấp và giới vua chúa, quý tộc không thể thiếu chút hồ tiêu. Một cân hồ tiêu đắt bằng cân vàng. Chẳng phải vô cớ những người cực giàu hồi đó được gọi là “bao hồ tiêu”. Lái buôn Venice và Genoa phất to nhờ độc quyền con đường biển buôn bán với người Ả Rập.

Thế là tất nhiên xuất hiện một ổ cướp biển cực kỳ nguy hiểm - những người Berber (Bắc Phi) - chúng hung hãn tấn công các thương thuyền châu Âu chở đầy sản vật phương Đông, xây pháo đài, lập kho tàng, hùng cứ một phương. Lái buôn vùng Địa Trung Hải sợ mất mật khi thấy những con tàu nhỏ với cánh buồm màu đỏ thắm lao nhanh như tên bắn. Trên boong có những tên cướp nửa mình cởi trần, đầu chít khăn dài, tay vung dao nhọn, hò hét man rợ. Cướp biển Berber còn nổi tiếng đến ngày nay cũng nhờ một lần “may mắn” bắt được tác giả vĩ đại của “Đông-ky-sốt” - Cervantes (1547-1616). Ông bị cầm tù nhiều năm trước khi chuộc lại được tự do bằng tiền.

Những người Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha không thích nhìn các thành phố Italia ven Địa Trung Hải độc quyền làm giàu với người Ả Rập. Họ muốn tự đặt chân lên hòn đảo “Hương liệu” (Molucas - thuộc Indonesia). Một hoàng thân Bồ Đào Nha đi vào lịch sử với cái tên là Henry - “Nhà hàng hải” (Henry the navigator) khởi xướng các cuộc thám hiểm đi tìm đất mới, mở đầu cho những phát kiến địa lý vĩ đại.

Hết đoàn thuyền này đến đoàn thuyền khác, người Bồ Đào Nha men theo bờ biển phía tây Phi châu dò dẫm, “nhảy cóc” sang Ấn Độ Dương. Mãi năm 1488, Bartolomeu Dias mới đến được điểm cực nam lục địa đen, và gọi nó là “Mũi đau khổ” để ghi nhận những tháng ngày mở đường cực nhọc. Gặp một cái tên “xúi” như thế trên đường đi tìm hy vọng tốt lành không phải là điềm may mắn, bởi thế sau đó vua Bồ Đào Nha đổi tên Mũi đau khổ thành Mũi hy vọng tốt lành (Hảo vọng giác).

Lập tức cướp biển cũng dọn nhà đến con đường biển buôn bán mới sầm uất, đầy ắp hồ tiêu, của lạ. Chúng nằm chốt ở biển tây Phi châu chờ các thuyền Bồ Đào Nha nặng nề trở về là xông ra trấn lột. Người Bồ Đào Nha là những nhà hàng hải giỏi, cũng lại là những tay súng cừ khôi, nên nhiều khi chính cướp biển lại bị “cướp biển”. Thế nhưng cũng có cái tên cướp biển được đám thủy thủ Bồ Đào Nha đe nhau: Nhìn thấy thì chạy cho nhanh. Đó là trường hợp của “E.Roger hắc quỷ”, tên tướng cướp biển một tay một mắt, thuyền trưởng tàu ba cột buồm “Bóng tối”.

Ngày 12.10.1492, Christopher Colombus, một thuyền trưởng người Genoa phục vụ vua Tây Ban Nha phát hiện ra lục địa Mỹ. 50 năm sau, cả một vùng đất mênh mông từ biên giới Mexico phía bắc đến các thảo nguyên La Plata phía nam đã nằm trong tay vua Tây Ban Nha (trừ Brazil thuộc Bồ). Các Galion Tây Ban Nha chở đầy vàng từ Nam Mỹ về châu Âu là miếng mồi ngon, cực kỳ hấp dẫn cướp biển. Bọn hải tặc lại mò đến biển Caribes. Đứng đầu đám đó phải kể đến Drake.

Cuộc đời của tên tướng cướp biển lừng lẫy này đã được viết thành hàng trăm pho sách, chúng cũng được dựng thành phim. Sau này, người Anh dựng tượng Drake trên Công viên Tavistok quê hương y. Drake sinh năm 1540. Hồi ấy làng cướp biển có 2 loại hải tặc: Bọn Filibuster - bất kể tàu nào, cứ có “màu” là tấn công. Bọn Corsair thì chỉ nhằm vào tàu của quốc gia đối nghịch. Drake là một Corsair nổi tiếng. Y tấn công dữ dội những Galion Tây Ban Nha chở vàng từ Nam Mỹ về Châu Âu và vét rỗng các kho tàng của những thành phố thuộc địa ven biển Nam Mỹ. Hành động đó được gọi là “vặt râu vua Tây Ban Nha” .

Vua Tây Ban Nha treo giải cái đầu của Drake 10 vạn peso và hàm Nam tước. Song phản ứng đó chỉ làm y thêm hăng máu. Drake đi vòng qua eo Magellan ra Thái Bình Dương. Y là người đầu tiên khẳng định rằng “Đất lửa” không phải là điểm Cực Bắc của “Lục địa Nam” như người thời ấy vẫn tưởng, mà chính là một quần đảo, điểm Cực Nam của Châu Mỹ. Ngược lên phía Bắc, Drake xông vào cướp Valparaiso và Lima, những kho vàng của Tây Ban Nha ở Châu Mỹ. Y “trúng” đến nỗi vất hết đồ bạc xuống biển để thay bằng thứ vàng ròng quý hơn.

Đã đến lúc phải quay về thì Drake thấy không thể theo con đường cũ được nữa, vì cả một bầy tàu chiến Tây Ban Nha hận thù và vũ trang đến tận chân răng đang chờ y ở phương Nam. Drake bèn quyết định đi về phía Tây để đến quần đảo Hương liệu. Sau đó qua Hảo Vọng Giác, y trở về Plymouth căn cứ xuất phát. Thế là Drake trở thành người thứ hai, sau Magellan, đã đi vòng quanh thế giới.

Ngày 28.1.1596, Drake “Cơn ác mộng của vua Tây Ban Nha” bị một cơn sốt nhiệt đới quật ngã ở gần bờ biển Panama. Theo lời di chúc, xác y được ném xuống biển.



Đến cuối thế kỷ 17, chính quyền thuộc địa của Anh, Pháp tại châu Mỹ liên tiếp mở cuộc hành quân tiễu phạt cướp biển ở Caribes. Lúc này hành động của chúng đe dọa trực tiếp, nghiêm trọng quyền lợi của bọn thực dân ở Thế giới mới. Hải tặc lại dời “thủ đô” đến đảo Saint-Mary phía đông đảo Madagascar trên Ấn Độ Dương. Tại đây, chúng trấn lột những tàu hàng giàu có của các công ty Đông Ấn hùng mạnh, chủ nhân thực sự của các thuộc địa Ấn Độ, Indonesia...

Sang đầu thế kỷ 18, “nước Cộng hòa Đảo cướp” đã chiêu mộ được hàng ngàn tên cướp đủ các sắc tộc của biển. Chúng biến con đường qua Ấn Độ dương trở thành con đường khủng khiếp với các lái buôn châu Âu. William Kidd, người Anh, thuyền trưởng tàu Adventure (Phiêu lưu), là nhân vật đã đi vào lịch sử. Tài nghệ phi thường của thuyền trưởng Kidd, nhưng kho vàng và hạnh kiểm xấu của hắn còn nổi tiếng hơn. Tiếng tăm về Kidd bay đến London. Tòa án Hoàng gia Anh quốc kết án William Kidd tử hình. Kidd đưa ra trước các Lord đề nghị: Ân xá để đổi lấy những kho vàng của hắn. Bàn đi cãi lại, các quan tòa Anh bác bỏ. Thế là, tên cướp biển bị thất sủng lủng lẳng trên dây treo cổ.

Và cũng từ đó kho vàng của Kidd có một cuộc đời huyền thoại. Người ta truyền tụng nhau đủ thứ chuyện rùng rợn về đảo giấu vàng. Họ đặt cho nó cái tên “Đảo Xác” vì đồn đại rằng chính tay Kidd đã giết chết thủ hạ thân tín cùng với hắn đi giấu vàng. Xác họ được xếp thành những mũi tên chỉ đường. Những kẻ phiêu lưu đã đi tìm nó suốt mấy thế kỷ ở cả 3 đại dương. Không thấy!

Những tên cướp biển tàu ngầm và nỗi khủng khiếp ở vùng Sừng châu Phi

Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, một loại cướp biển cực kỳ “môđéc” xuất hiện - tàu ngầm. Bất chấp nguyên tắc, luật pháp quốc tế, bọn cướp biển tàu ngầm Đức tấn công cả các tàu buôn, tàu khách của các quốc gia đối địch. Đánh vào dân thường là một tội ác chiến tranh.

Tàu Lusitania đóng đầu thế kỷ 20 là lời người Anh muốn “nhắc nhở” kẻ thù Đức của mình: “Xưa nay Anh quốc vẫn là Chúa biển”. Ngày 6.5.1915 Lusitania chở 1.257 hành khách từ New York về Anh. Gần bờ biển Irland, tàu ngầm Đức U20 nằm chờ sẵn đã phóng 2 quả ngư lôi vào bụng Lusitania. Con tàu “gục” ngay lập tức. 1.198 thường dân bị chết.

Hình ảnh mô tả tàu Lusitania bị cướp biển bắn chìm

Đến thế chiến thứ 2, tàu ngầm cướp biển Đức vẫn say mê săn lùng những tàu dân thường “tay không” trên biển. Riêng năm 1942 chúng đã tiêu diệt 6,3 triệu tấn tàu hàng của phe đồng minh. Dẫu sao, chiến tranh tàu ngầm man rợ của Đức phát xít đã bị thất bại. Deniz, tên tướng cướp biển lớn nhất của mọi thời đại bị lôi ra vành móng ngựa ở Nurember lĩnh đủ cái án 20 năm tù.

Ngày nay, vùng biển phía tây Phi châu là “căn cứ địa” của bọn hải tặc. Chúng hoành hành ác đến nỗi có tàu dầu của Nauy, sau lần đụng phải cướp biển, thủy thủ bỏ trốn gần hết vì sợ. Tàu hàng Sibelus cũng của Nauy có cách chống cướp biển rất độc đáo. Mỗi khi đi ngang qua vùng nguy hiểm, 4 thổ dân thuộc bộ tộc Tulu da đen đứng lên mặt boong, dương cung lắp tên sẵn sàng. Thế thôi. Vậy mà cướp biển lại ngán!

Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người Việt Nam đã rất mạo hiểm “vượt biên” trên các con thuyền mỏng manh. “Thiên đường” ở đâu không thấy, nhiều người đã sa ngay vào địa ngục của bọn cướp biển Philippines, Thái Lan, Malaysia. Năm 2006 IMO - Tổ chức Hàng hải quốc tế của Liên Hợp Quốc đã báo cáo tại London: “Cướp biển đe dọa nguy hiểm cho sự an toàn của ngành hàng hải thế giới ”, do sự lộng hành của cướp biển Somalia -một trong những quốc gia nghèo đói nhất, bất ổn nhất thế giới, nằm ở vùng Sừng châu Phi, nơi mỗi năm có khoảng 25.000 lượt tàu đi qua.

Nội chiến triền miên từ năm 1990 khiến chính quyền Somalia bất lực trước sự lộng hành của cướp biển. 179 con tàu đã bị bắt cóc để đổi lấy từ giới chủ tàu quốc tế 400 triệu USD tiền chuộc. Một nửa số tiền này đã rơi vào túi các ông trùm, còn những “chiến binh chân đất” trực tiếp cướp tàu mỗi tên nhận khoảng 50.000 USD. Lợi nhuận dần biến cướp biển trở thành một hoạt động kinh doanh quy mô, có tổ chức. Cướp biển bắt đầu đầu tư tiền vào chứng khoán và bất động sản, buôn người và mua vũ khí…

Hải quân Canada bắt cướp biển Somali

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, cướp biển Somalia đã “rút ruột “ nền kinh tế toàn cầu mỗi năm 18 tỉ USD từ những chi phí thương mại phát sinh! Tình hình bắt buộc cộng đồng quốc tế phải cùng chung tay hành động. Năm 2008, lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp chống cướp biển Somalia ra đời, với hơn 20 tàu chiến được máy bay không người lái của Mỹ hỗ trợ, bảo vệ con đường hàng hải qua Sừng châu Phi. Và 5 năm sau, Hải quân Mỹ đã báo cáo: Không có vụ cướp biển nào! Cướp biển đã phải “dọn nhà” đến vịnh Guinea phía tây Phi châu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo: Cướp biển ở Somalia không hề đi vào quá khứ, bởi cái gốc của cướp biển không nằm trên biển, nó nằm ở trong đất liền!

Trong một xã hội tha hóa, đạo đức suy đồi, niềm tin mất mát, tất yếu xuất hiện những tên tội phạm. Chúng không phải “vua”, phải “tướng”... như tự suy tôn. Thực chất tội phạm chỉ là công cụ thực hiện trong tay những kẻ nắm cuộc đời chúng, xô đẩy chúng vào con đường tội lỗi. Cướp biển cũng không ngoài quy luật đó. Quét sạch cướp biển một lúc, một nơi không phải việc khó. Nhưng những khối u ung thư trên cơ thể của xã hội lại tiếp tục đẻ ra nó. Cắt bỏ chính nguồn gây bệnh - các khối u đó - mới có thể tiêu diệt được tận gốc cướp biển.

Ngày nay, có những quốc gia mang tham vọng cướp vùng biển nước khác, không phải bằng tàu buồm hay tàu ngầm mà bằng những giàn khoan biển (như Hải Dương 981), xét về bản chất đấy là hành động cướp biển

Link Facebook

Chạy trường - một cuộc thi bất bình đẳng


Tháng 6, tôi đến trường T. Cô hiệu trưởng không có nhà, nhưng ngoài hành lang có 20 người đang đứng bồn chồn, nhìn vào cửa phòng khóa trái. Ông bảo vệ già than thở: “Họ đã chờ đợi ở đó 3 giờ đồng hồ. Nói cô hiệu trưởng đi vắng, song họ không tin!”.

Từ nhiều năm nay, cứ sắp đến mùa tuyển sinh, các bậc phụ huynh lại bước vào cuộc chạy đua trường, lớp thường niên. Xin cho con vào một trường học tốt là nguyện vọng rất tự nhiên, chính đáng của mọi cha mẹ học sinh. Thế nhưng, đây là một cuộc thi bất bình đẳng, bởi chỉ những người có tiền, có quyền mới có cơ hội thắng cuộc.

Bão từ Brazil nổi lên lúc nửa đêm

Đêm ngày 14.7, hàng vạn con người trên sân vận động Rio Janeiro sẽ cất tiếng hát hào hứng bài ca chính thức của “Brazil 2014”: “We are one”. Đoàn xe tăng Đức sẽ chiếm lĩnh trận địa hay những phù thuỷ sân cỏ Nam Mỹ ôm chiếc Cúp vàng nhảy điệu Tango? Sẽ có cả một dân tộc không ngủ để khóc, để cười. Họ vô tình hay nhẫn tâm bỏ mặc chúng tôi bơ vơ, hụt hẫng, tâm hồn hoang vu, ăn cái gì cũng nhạt mồm. Bốn năm - thời gian quá dài, FIFA đặt ra để thử thách lòng kiên nhẫn của con người. Ai quay trái đất nhanh hơn xin được tặng giải Nobel World Cup.

90 năm sau vẫn không hơn cái Vườn trẻ


Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6

40 năm trước, cụ Trần Quang Hưng rời quê nhà sang định cư ở Pháp. Hôm nay cụ mới trở về Hải Phòng gặp lại gia đình, họ mạc. Ông con giai cả đề nghị đưa cụ đi xem cầu Bính, khu công nghiệp Singapore… để cụ nhìn thấy sự đổi mới của thành phố, nhưng cụ từ chối. Giờ cụ già rồi, không có đòi hỏi gì nhiều, như con bọ chét sống lặng lẽ ở trên cây, cụ chỉ muốn thăm Quán hoa (Nơi cụ đã gặp cụ bà), nhà Kèn (Ngày xưa cụ đã được nghe ca sĩ Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy ở đó) và đến Vườn trẻ. Yêu cầu của cụ làm thằng cháu nội suýt ngã ngửa người ra vì ngạc nhiên: Tại sao một người da đã nhăn như một quả táo tầu mà còn thích đi Vườn trẻ? Nó không biết rằng tuổi thơ của cụ gắn liền với Vườn trẻ như thế nào. Không giống như những đứa trẻ ở quê “trở về dòng sông tuổi thơ”, Vườn trẻ là nơi vui chơi duy nhất của nhiều thế hệ trẻ con thành phố Hải Phòng.

Đấy là nhà báo điều tra

Chị tôi có mối ác cảm cố hữu với mọi thứ phi cổ điển. Bởi thế, khi nhìn thấy anh người yêu của con gái rượu bà đã khó chịu: Quần áo kiểu gì mà lắm túi thế? Đôi giày bụi bặm chưa đủ nặng sao, mà còn đeo đầy những thứ lỉnh kỉnh trên người, chẳng khác thằng bán hàng rong! Tóc tai thì như đang đứng giữa trời gió bão. Mồm thở ra toàn mùi thức ăn nhanh. Nói tóm lại là trông cứ nhếch nhác như vừa vớt ra khỏi nồi! Cô con gái nói bằng cái giọng rất sành sỏi: “Mẹ chẳng hiểu biết gì cả! Nhà báo điều tra thì nhìn nó phải hầm hố thế chứ!”

Đôi bờ sông Lấp


Đã có một lần, nhạc sĩ quá cố Lương Vĩnh đưa sông Lấp vào bài hát Thành phố hoa phượng đỏ. Sông Lấp vào nhạc nghe hiền lành lắm, không thấy có cái hào hùng của những con thuyền quậy sóng trên Bạch Đằng Giang mênh mông, hay cái sảng khoái, rộn ràng của sông Cấm “khi sương tan, đàn cò trắng bay sang ngang”. Cũng là đúng thôi, bởi sông Lấp là một con sông đào bị… lấp!

Voọc ơi, mày ở đâu


Ra đảo Cát Bà đầu tuần, du khách sẽ thấy mình là “thượng đế”. Vừa xuất hiện ở đầu con đường vào bến Bính, tôi đã được cả một dàn đồng ca ngọt ngào mời gọi: “Anh ơi! Tàu của mình đây cơ mà!”- Có đến 3 con tàu trắng lấp lánh dưới nắng mặt trời. Tôi sẽ như con lừa Bouridane giữa bó cỏ tươi và thùng nước ngọt phân vân không biết đi về đâu trước, nếu cô nhân viên của hãng tàu thuỷ cao tốc VISDEMCO không nở nụ cười để lộ hàm răng tuyệt vời, làm nản lòng các bác sĩ nha khoa. Sau 50 phút ngồi thư thái trong bụng con tàu sang như một khoang máy bay, tôi đặt chân lên Cát Bà - hòn đảo lớn nhất (200km2) trong số 1969 hòn đảo trên vịnh Hạ Long, cách Hải Phòng chừng 30 hải lý.

Đã có một người như thế

Gần 10 năm nay tôi đã định viết về ông, mặc dù viết về ông thực là khó. Ông là một nhà khoa học, nhưng còn xa cỡ cha đẻ ra bom nguyên tử, là người kiến thức rộng rãi, nhưng chưa đủ uyên bác để soạn thảo Bách khoa toàn thư, là nhà hoạt động xã hội, nhưng không vượt ra khỏi tầm quốc gia. Tóm lại, ông không phải là vĩ nhân, Thánh nhân để có thể viết cả một cuốn sách về ông với những lời nói bất hủ như là chân lý vĩnh cửu! Ông chỉ là một Con Người - như 2000 năm trước đây nhà hiền triết Diogene đã đốt đuốc giữa ban ngày để tìm.

5 thg 4, 2014

Mất ngôi


Muốn đứng tại chỗ phải chạy thật nhanh
-- Seneque --

Chàng thanh niên đẹp trai đó một lần đã đoạt giải nhất cuộc thi khiêu vũ cổ điển ở trong thành phố. Từ đó anh trở thành một ông vua không ngai sàn nhảy. Tự nhiên anh có một chỗ ở một chiếc bàn đẹp nhất trên sàn. Nếu có ai “nhỡ” ngồi vào, thấy anh khệnh khạng bước tới, là vội vàng đứng lên ngay. Anh uống bia không mất tiền vì rất nhiều người ở sàn thấy hãnh diện được anh gọi ngồi cạnh. Bao xung quanh anh là những cô gái trẻ đẹp. Phương châm của anh là “chọn người đàn bà đẹp nhảy, chứ không chọn người đàn bà nhảy đẹp” – vì anh chỉ cần đi bộ trên sàn, người ta đã vỗ tay khen đẹp rồi. Từ đó anh không còn nhảy, mà chỉ hờ hững “đi bộ” trên sàn với những cô gái tim lộn ngược lên hồi hộp vì được “nhà vua” lựa chọn.

Con cháu bà Lê Chân

Sách cũ viết rằng: “Thành hoàng” Hải Phòng là bà Lê Chân – nữ tướng của Hai Bà Trưng. Năm 40 sau công nguyên, đánh giặc Đông Hán, bà được phong là Thánh Chân Công chúa và về sông Cấm lập làng An Biên, đất tổ Hải Phòng ngày nay. Người Hải Phòng ghi ơn bà lập Đền Nghè thờ và dựng tượng bà bằng đồng cao 9 mét trên quảng trường trung tâm thành phố. Trước lúc dựng tượng, các nhà sử học đã tranh cãi nhau chán chê về dung nhan, và thần linh của bà Lê Chân. Nhiều người Hải Phòng không được dự bàn các cuộc họp ấy, song họ cho rằng bà Lê Chân phải xinh đẹp, mạnh mẽ, trung hậu, tài năng… vì cứ suy từ con cháu của bà - những người phụ nữ Hải Phòng bây giờ – họ đều thế cả!